Seminar trao đổi giữa một số nhà khoa học Nhật Bản và cán bộ Khoa
Chương trình làm việc bắt đầu từ 14h ngày 11/11/2010, gồm có:
1) TS. Trần Ngọc Anh, Phó Chủ nhiệm Khoa trình bày giới thiệu sơ lược về Khoa KTTV và HD học cũng như một số hướng nghiên cứu của nhóm Nhóm nghiên cứu Giảm thiểu thủy tai và Quản lý hiệu quả tài nguyên nước (MHDEWM).
2) GS.TS. Jun Matsumoto (Tokyo Metropolitan University) trình bày những kết quả nghiên cứu về gió mùa ở Việt Nam và những hướng hợp tác nghiên cứu đang triển khai, đặc biệt nhấn mạnh dự án hợp tác về định lượng mưa với cán bộ Khoa KTTV&HD học và dự án JST-JICA đang trong giai đoạn xin kinh phí.
3) TS. Nguyễn Minh Trường, trưởng phòng Nghiên cứu Dự báo Thời tiết và Khí hậu trình bày những kết quả mới nhất về MeiYu.
4) GS. TS.Yukihiro Takahashi (Hokkaido University) giới thiệu về hệ thống định vị sét mà GS dự kiến triển khai để ghi nhận các hoạt động giông sét trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có việc lắp đặt thiết bị tại Việt Nam. Giáo sư cũng giới thiệu về một dự án chế tạo vệ tinh mới trong đó các ý tưởng về nghiên cứu, đại lượng đo đạc vẫn còn mở và các nhà khoa học Việt Nam có thể tham gia góp ý kiến vào vấn đề này.
5) TS. Ngô Đức Thành thay mặt PGS. TS. Phan Văn Tân giới thiệu những nét cơ bản về đề tài nghiên cứu cấp nhà nước “Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đến các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam, khả năng dự báo và giải pháp chiến lược ứng phó".
6) TS. Peiming Wu (JAMSTEC: Japan Agency for Marine-Earth Science and Technology) giới thiệu nghiên cứu về nguyên nhân gây ra trận mưa lớn lịch sử gây ngập nặng tại Hà Nội cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2008.
7) Ông Hideyuki Kamimera (JAMSTEC) trình bày những kết quả nghiên cứu về việc sử dụng số liệu ra đa Tam Kỳ kết hợp với bộ số liệu đo mưa tại trạm để tạo bộ số liệu mưa trên lưới, làm đầu vào cho mô hình rainfall-runoff, tính toán dòng chảy cho hệ thống sông Thu Bồn - Vu Gia.
8) TS. Kiều Quốc Chánh trình bày về vấn đề đồng hóa dữ liệu, hệ thống WRF-LETKF (Weather Research and Forecasting Model - Local Ensemble Transformed Kalman Filter) do TS phát triển tại Phòng Nghiên cứu Dự báo Thời tiết và Khí hậu.
9) PGS. TS. Masumi Zaiki (Seikei University) trình bày về vấn đề khôi phục dữ liệu khí tượng thủy văn cho khu vực châu Á gió mùa, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra buổi seminar còn có sự góp mặt của PGS. TS. He Bin (Kyoto University), một chuyên gia trong lĩnh vực thủy văn và đánh giá chất lượng nước.
Sau các bài trình bày là các thảo luận về các vấn đề liên quan. Đặc biệt GS TS Yukihiro Takahashi đã nêu lên vấn đề về việc mong muốn có một ký kết về thỏa thuận hợp tác giữa trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Hokkaido. GS TS Jun Matsumoto cũng có mong muốn tiếp tục tạo điều kiện để các sinh viên Việt Nam có thể sang Nhật theo học ở các bậc cao hơn.
Buổi làm việc kết thúc lúc 17h30 cùng ngày.